Ban đầu, bonsai chỉ có 5 thế cơ bản: thẳng đứng (Chokkan), nghiêng (Shakan), thẳng đứng phóng khoáng (Moyogi), thác đổ (Kengai) và nửa thác đổ (Han Kenga). Sau này, người ta phát triển bonsai thành nhiều thế khác nhau như: rễ phủ trên đá (Sekijoju), chổi (Hokidachi), rễ trong đá (Ishizuke), bạt phong (windswept), song thụ và tam thụ (Ikadabuki), văn nhân (bunjin-gi), thế lùm (clump style), thế cành rủ (weeping style), thế gỗ mục (dead wood) và nhóm cây hay rừng (Yose Uye)..
Bonsai Việt Nam chỉ mới phát triển vài chục năm nay từ sau 1975, nhưng cũng có nhiều sự thay đổi trong nhận thức theo từng thời kỳ.
Thời kỳ đầu: kiến thức cây có sự thu nhỏ từ cây cảnh, dấu ấn kiểng thế còn khá rõ, khối của tán lá, tàn cây, bố cục cành nhánh nặng về đường nét kỷ hà, tính tự nhiên của cây không cao.
Thời kỳ giữa: bonsai Việt Nam bớt thô cứng nhờ sự tiếp biến trong quá trình giao lưu, tiếp xúc với các cường quốc bonsai trên thế giới.
Những năm gần đây: Việt Nam ngày càng mở cửa giao lưu, mua bán và trao đổi nghệ thuật nên bonsai Việt Nam đã và đang có bước phát triển đáng kể. Sự đa dạng trong nghệ thuật tạo hình giúp cho bonsai Việt Nam ngày càng được nâng tầm nghệ thuật.